Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 22/05/2024

Hiệu quả từ mô hình Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ổ tổ dân phố 8 thị trấn Quảng Phú

    Nhằm cải thiện thu nhập và phát triển bền vững, thời gian qua nhiều hội viên nông dân ở thị trấn Quảng Phú đã vận động liên kết thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Qua đó từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định. Điển hình như mô hình Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8 thị trấn Quảng Phú. 

Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi hơn chục năm nay, nên khi được Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú vận động tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thì chị Trần Thị Huệ ở tổ dân phố 8 đã đồng ý tham gia. Chị Huệ cho biết: Trước đây gia đình chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tuy có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, vì vậy không dám mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ khi tham gia Tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi dê đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình. Các thành viên trong tổ hội đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ, chia sẻ, kết nối với các thương lái và gia chánh trong, ngoài địa bàn, từ đó sản phẩm được các thương lái tìm đến tận nơi để thu mua. Hiện nay đàn dê gia đình chị Huệ ổn định 20 con, trong đó có 10 con dê cái sinh sản. Bình quân hằng năm gia đình chị xuất chuồng trên 20 con dê thịt với trọng lượng mỗi con đạt bình quân khoảng 20 kg, giá bán giao động từ 70 đến 100.000đ/kg hơi, giúp gia đình chị có thu nhập trên 30 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi dê, gia đình chị Huệ còn đầu tư nuôi 12 con bò, trong đó có 04 con bò cái sinh sản. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán từ 01 đến 02 con bò với thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/con. Bên cạnh đó gia đình chị Huệ còn có thêm thu nhập từ nguồn phân chuồng, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 70 khối phân chuồng với trị giá 800.000đ/khối. Trừ hết các khoản chi phí đầu tư, bình quân mỗi năm gia đình chị Huệ thu lãi từ chăn nuôi hơn 100 triệu đồng. Chị Trần Thị Huệ - thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú tâm sự: Hồi xưa gia đình nuôi nhỏ lẻ, bây giờ các gia đình liên kết với nhau để chăn nuôi lớn hơn. Đồng thời học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi theo hình thức chốt chuồng chứ không chăn thả nữa. Đầu ra kha ổn định. Ví dụ có người đến mua dê giống hay dê thịt, gia đình mình không có để bán thì giới thiệu cho các gia đình khác, không sợ ế để làm kinh tế bền vững hơn…

22.5.3

Cán bộ Nông dân thị trấn Quảng Phú thăm mô hình chăn nuôi của Hội nông dân nghề nghiệp Tổ dân phố 8 , thị trấn Quảng Phú 

Khi tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, gia đình bà Hồ Thị Chấn ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng ổn định. Hiện nay đàn dê của gia đình bà Chấn có 40 con, trong đó có 15 dê cái sinh sản. Bà Chấn cho biết: Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê, được giới thiệu các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc tiếp cận KHKT-công nghệ, thay đổi tư duy chăn nuôi từ chăn thả sang nhốt chuồng. Việc chăn nuôi này vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Bình quân hằng năm gia đình bà Chấn cho xuất khoảng 40 con dê thịt, thu lãi trên 60 triệu đồng. Cùng với nuôi dê, bà Chấn còn nuôi thêm 09 con bò, trong đó có 05 con bò cái sinh sản để tăng thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời có nguồn phân chuồng dồi dào để chăm sóc cho cây trồng. Bà Hồ Thị Chấn -  thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú nói: Đầu tiên gia đình nuôi 05 con dê sau rồi gây dựng đàn lên dần. Bây giờ tham gia tổ hội chăn nuôi dê nên mình chăn nuôi được vững vàng, phát triển nhiều hơn. Tranh thủ chút thời gian buổi sáng cho dê, cho bò ăn, rồi dọn dẹp chuồng trại sạch. Sau đó đi cắt lá cây, cắt cỏ. Nuôi thả rông thì mình không tận dụng được nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, lại vừa gây ô nhiễm môi trường. Còn từ ngày nuôi nhốt chuồng, mình có nguồn phân chuồng bón cho cà phê, sầu riêng, đồng thời góp phần bảo vệ sinh môi trường…

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Quảng Phú cho biết: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8 được thành lập từ năm 2011 với 25 thành viên tham gia, quy mô chăn nuôi hiện nay khoảng 700 con dê và bò. Khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra, hướng tới ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn, đồng thời được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy các thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, nhiều hộ có đàn dê lên đến 30, 40 con, nhiều hộ thu lãi hằng năm từ 70 đến 80 triệu đồng từ chăn nuôi. Để Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho các thành viên, thời gian tới Hội Nông dân trị trấn tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ các thành viên đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú nói: Trước đây bà con chăn nuôi nhỏ, lẻ, chủ yếu thả rông. Sau khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thì bà con đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng, đồng thời áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ để tăng năng suất, giảm hao hụt con giống. Bên cạnh đó bà con còn tận dụng được nguồn phân chuồng dối dào để bón cho các loại cây trồng. Hội Nông dân thị trấn liên hệ với các ngành chức năng triển khai chuyển giao KHKT chăn nuôi cho các thành viên, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các nguồn tài chính để phát triển chăn nuôi quy mô lớn như vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội…

Việc phát triển kinh tế hợp tác của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) đã hình thành và xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kinh nghiệm và áp dụng KHKT-công nghệ cho các thành viên. Qua đó tăng lợi nhuận, tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế cho người dân, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể tại địa phương theo hướng bền vững và an toàn./.

 

H'Xiu Êban

 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang