Cư M'gar là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk. Phía Đông giáp huyện Krông Búk, phía Tây giáp huyện Buôn Đôn, phía Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc, phía Bắc giáp huyện Ea Súp, Ea H’leo. Huyện có vị trí giao thông thuận lợi cho giao thương, hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển, đã nhựa hóa các con đường vào các xã, giao thông vào các thôn buôn được chính quyền cùng nhân dân nâng cấp và tiếp tục xây dựng mới các tuyến đường giữa các thôn, buôn.
Cư M'gar là tên gọi theo tiếng Ê đê là cách gọi của bà con với ngọn núi lửa đã tắt từ lâu. Đây là ngọn núi nằm tại trung tâm huyện; Cư M'gar giàu tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, với tổng diện tích tự nhiên là 82.443 ha. Đặc điểm địa hình bằng phẳng, có hệ thống suối trải đều khắp địa bàn và với hơn 70% diện tích là đất đỏ bazan, thích hợp cho việc sản xuất các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh; có 24 dân tộc anh em với nhiều nền văn hóa phong phú, đa dạng sinh sống ở 17 xã, thị trấn.
Kể khan là nghi lễ của tình đoàn kết, quần tụ khi tình cảm yêu quý nhau đã xích lại gần. Cư M' gar là địa phương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Ê đê, M'nông trong đó ấn tượng và nổi tiếng nhất là những đêm kể khan, Câu lạc bộ hát Then của đồng bào Tày, gốc Cao bằng với các nhạc cụ tự chế từ sản vật của núi rừng Tây Nguyên nhưng vẫn giữ được bản sắc của người Tây Bắc; các lễ hội được duy trì tổ chức thường xuyên như lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, dệt thổ cẩm, duy trì văn hóa sử thi, kể khan. Bên cạnh đó, tài nguyên tự nhiên của huyện khá phong phú với Di tích Thắng cảnh Đồi Cư H’lăm, Di tích thắng cảnh thác Drai Dlông, Thác Drai Yông, Đập hồ Buôn Yoong, Bến nước Buôn Sah hay còn gọi là bến nước Dăm Di, Đồi Cư M’gar,… các vườn rau, cây ăn quả sản xuất theo mô hình công nghệ cao có thể xây dựng được sản phẩm du lịch, tạo thế cạnh tranh, sự khác biệt sản phẩm du lịch với các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk.
Trong thời gian qua, huyện Cư M’gar đã tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa - cảnh quan, xây dựng các làng văn hóa du lịch nhằm bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ; chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên gắn với bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, du lịch của huyện Cư M’gar vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng cơ sở hạ tầng và địa điểm cung cấp các dịch vụ còn nghèo nàn chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển du lịch; chưa có sự kết nối các tuyến du lịch với huyện Cư M’gar để đưa khách đến tham quan; các điểm sản xuất nông nghiệp sạch và công nghệ cao tại địa phương có diện tích, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, còn mang tính thời vụ do nguồn tiêu thụ các sản phẩm công nghệ cao hiện nay còn hạn chế, phải tự tìm đầu ra như các loại rau, củ, quả sản xuất theo kiểu truyền thống khác; việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, số lượng người còn nhớ, biết làm các nghề truyền thống không còn nhiều chủ yếu là những người già và đang dần mai một, không còn nhiều các lễ hội truyền thống được tổ chức và tổ chức không còn quy mô như trước. Người dân chưa được đào tạo tập huấn về du lịch cũng như các kỹ năng để phục vụ du khách.
Để du lịch huyện Cư M’gar phát triển trong thời gian đến, Cư M’gar cần khẩn trương xây dựng Đề án hoặc chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện để khoanh vùng, bảo vệ và phát huy các tài nguyên tự nhiên và nhân văn hiện có; tăng cường thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến khảo sát và đầu tư tại địa phương để làm điểm nhấn thu hút du khách, làm tiền đề để phát huy, khai thác các điểm đến tiềm năng của địa phương; tiếp tục nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào tại các buôn; ưu tiên trong việc lưu giữ, bảo tồn và phục dụng các phong tục tập quán, các nghề truyền thống để gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch tại địa phương hướng đến hình thành phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc; bảo tồn các nghề thủ công truyền thống, trong đó ưu tiên hỗ trợ một số nghề thủ công truyền thống và các món ăn đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc bản địa nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch; quy hoạch và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đến với người nông dân, các hợp tác xã, dần thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình khép kín có chứng nhận của các tổ chức quốc tế; sử dụng phân bón sinh học, tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, ứng dụng công nghệ GIS/GPS trong quản lý dinh dưỡng; enzym trong chế biến sau thu hoạch; phát triển hệ thống kho chứa, bảo quản…tạo nên hiệu quả kinh tế và hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của huyện trong tương lai.